Tại Rio de Janeiro, Brazil, nơi vẫn đang tồn tại nhiều nỗi lo về an ninh, khủng bố, cướp giật đến mức BTC luôn khuyến cáo các đoàn hạn chế ra khỏi khu vực dây thép gai, có lực lượng cảnh sát dày đặc thì lại có một cô gái nhỏ bé, vượt qua mọi mối lo để trở thành nữ tình nguyện viên duy nhất người Việt Nam, tại Olympic. Đó là Đặng Khánh Vân (ảnh), cô gái Hà Nội, vừa tốt nghiệp Học viện Ngoại giao.
Để có được tấm thẻ tình nguyện viên tại Olympic Rio 2016, Khánh Vân đã phải vào website BTC đăng ký ngay từ năm 2014 và phải chờ tới mấy tháng sau mới được chấp thuận để nộp hồ sơ, rồi lại chờ đợi thêm một năm nữa mới được phỏng vấn qua mạng. Và cô gái đến từ Việt Nam với giọng tiếng Anh chuẩn đã thuyết phục được các nhà tuyển chọn, vượt qua được nhiều ứng cử viên của các quốc gia khác.
Vân kể, theo quy định của BTC Thế vận hội, mọi tình nguyện viên đều tự túc chi phí di chuyển, ăn ở đến Brazil và nếu không có sự trợ giúp của gia đình, cô cũng không thể thực hiện được ước mơ mạo hiểm này. Sau khi trúng tuyển, Vân bắt đầu lên kế hoạch săn vé máy bay giá rẻ, cô săn ngày, săn đêm và cuối cùng cũng mua được vé khứ hồi với giá gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên cô phải trải qua hành trình bay tới 40 tiếng mới có thể đến được Brazil.
 |
Khánh Vân và đô cử Hoàng Tấn Tài |
Ban đầu bố mẹ Khánh Vân cũng lo lắng khi cho con gái đến một đất nước mà trên các mặt báo nhan nhản các tin tức về cướp giật, nguy cơ khủng bố nhưng Vân rất quyết tâm nên bố mẹ cô đã đồng ý. Dù thuê nhà qua một trang web uy tín, nhưng đến nơi Vân mới ngã ngửa. Đó là một ngôi nhà giả container, nằm giữa một vùng bùn đất, vẫn còn hoang sơ, đầy muỗi, suốt ngày nghe tiếng gà gáy và rất lạnh. Đã thế cả dãy nhà container chỉ có một khách thuê là nữ nên Vân phải ở một mình trong căn phòng có tới 6 giường tầng.
Sau vài ngày, cô gái Hà Nội kiên cường đã phải tìm thuê nhà khác bởi ngoài điều kiện sống không đảm bảo, mỗi tối khi công việc kết thúc ở Làng VĐV, Vân lại lủi thủi thân gái dặm trường một mình cuốc bộ 3 km trên quãng đường vắng, tối tăm, nằm ngoài khu Làng Olympic, không được cảnh sát bảo vệ. Cảnh tượng đó khiến Vân nhớ đến ký ức kinh hoàng khi cô tham gia chương trình giao lưu văn hóa sinh viên tại Nga. Tại Nga, cô và hai người bạn cùng phòng bị nghi là nhiễm virus Ebola và ngay lập tức một chiếc xe cấp cứu có mặt chở ba cô gái vào phòng cách ly.
Khánh Vân và đô cử Hoàng Tấn Tài
Trong mấy ngày chờ kết quả xét nghiệm, thức ăn của các cô được đẩy vào qua khe cửa, cả ba phải ở trong phòng hoàn toàn cách biệt. Sau 5 ngày bị cách ly, đúng vào chiều ngày sinh nhật Vân, ba cô gái được thông báo chỉ bị dị ứng thông thường. Vân và các bạn vội vã lên tàu điện ngầm nhưng hỡi ôi chỉ một loáng, toàn bộ ví tiền của cô đã không cánh mà bay, may mà còn hộ chiếu và điện thoại. Sau khi đến đồn cảnh sát khai báo, Vân đang dùng điện thoại để nhờ một bà mẹ Nga đến đón, thì có hai thanh niên tiến đến hỏi đường. Đang mải chỉ đường cô chợt thấy một vật gì cứng áp sát vào tay, nhìn xuống hóa ra họng súng đen xì vẫn còn bốc khói, cùng câu gằn giọng: "Đưa điện thoại đây".
Vân cũng không hiểu tại sao lúc đó cô lại không cảm thấy sợ và còn ngô nghê hỏi lại gã du côn: "Tôi nhớ bạn vừa nói được tiếng Anh cơ mà". Gã du côn ngớ người ra và trong lúc đó Vân và cô bạn chạy vội, vừa chạy vừa kêu cứu. Phải một lúc sau cảnh sát mới có mặt và tóm được hai gã lưu manh. Sau khi nghe cảnh sát thông báo, Vân mới cảm thấy lạnh sống lưng: "Gã lưu manh cầm súng thật và trong súng đã có đạn". Sau đó Vân phải liên tục qua phòng cảnh sát, lấy lời khai rồi vào tù nhận mặt tội phạm và viết đơn nêu lý do vì là khách du lịch nước ngoài nên sẽ vắng mặt trong phiên tòa xử hai tên lưu manh.
Vốn đã từng bị dí súng tại Nga nên sang Brazil, Vân cũng không quá lo lắng. Chỉ có điều thân gái một mình cứ đi về giữa chốn hoang vắng thì đúng là đáng lo thật. Cô đã tìm thuê một căn hộ gần khu trung tâm để an toàn hơn và có thể yên tâm hơn trong những ngày ở Brazil dự Olympic.
Vân nói: "Dù phải tự túc kinh phí, dù phải trải qua những chuyện không dễ dàng để đến được đây nhưng tôi không hề ân hận. Tôi đã được sống trong bầu không khí thể thao tuyệt vời của một kỳ Thế vận hội lớn nhất thế giới, được tự hào khi bạn bè quốc tế hỏi và tôi trả lời "Tôi là người Việt Nam". Và điều đặc biệt nữa là tôi đã được gặp nhiều thành viên của Đoàn TTVN, họ giúp tôi rất nhiều. Tôi cũng đã được gặp Ánh Viên, Vương Thị Huyền, những người cho tôi thêm bài học về bản lĩnh thi đấu, tinh thần vượt qua gian khó. Tôi sẽ đăng ký để 4 năm sau nữa lại được là tình nguyện viên của Olympic".
Theo Báo Văn hóa